Cơm nướng ống là cách gọi ở miền núi phía Bắc và sau này người Kinh áp dụng đối với đồng bào Tây Nguyên. Món này còn được gọi là cơm lam, thường xuất hiện trong các bữa ăn ở vùng núi, đặc biệt là Kon Tum, Gia Lai.
Cách làm món cơm này khá đơn giản, chỉ cần ống nứa (hoặc vầu, lồ ô) tươi có một đầu được bít lại, sau đó cho gạo nương đã được ngâm vào. Người dân tiếp tục đổ nước, dùng lá dong hoặc lá chuối rừng nút chặt lại, đặt lên bếp lửa cháy và chờ đến khi cơm chín. Người nướng phải khéo léo để cơm không sống hoặc bị nhão.
Cơm nướng ống khi chín sẽ được xếp ra gọn gàng và thực khách nên dùng ngay khi còn ấm nóng. Bạn chỉ cần tước nứa ra thành nhiều phần, bẻ khúc cơm và chấm với muối sả lá é ớt rừng, hoặc dùng kèm với miếng thịt gà nướng sẽ càng làm tăng hương vị của món cơm. Ngoài ra, thực khách cũng có thể ăn cơm nướng ống với muối đậu phộng giã, thịt nướng các loại hoặc ăn không cũng có thể cảm được hương vị riêng của của món này.
Cũng tại Gia Lai, du khách còn có thể tìm thử một món khác không kém phần đặc trưng, đó chính là phở khô. Món này có tên gọi khác là phở hai tô, vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm bánh phở và nước súp.
Bánh phở làm từ bột gạo cay, có sợi nhỏ, săn và mịn, khi trụng nóng sợi phở sẽ mềm dai. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, vón cục để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hoặc tương ớt.
Tô phở khô nhất định không thể thiếu thịt heo bằm nhỏ, gà xé sợi và hành khô phi giòn. Còn tô nước lèo gồm nước ninh gà, thịt bò tái hoặc bò gân, bắp hay bò viên tùy khẩu vị mỗi người. Rau ăn kèm với phở khô là xà lách, húng quế, giá trụng.
Khi thưởng thức phở khô, bạn sẽ chủ động gia giảm nêm trộn theo khẩu vị. Gắp một đũa phở cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị dai ngọt của sợi phở, thơm đậm đà của tương, giòn của giá và ngọt thanh của nước lèo.
Du khách đến Gia Lai, có thể bắt gặp cơm nướng ống ở hầu hết bữa ăn cùng người dân địa phương. Còn đối với phở khô, bạn có thể ăn ở quán trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Giá một tô phở khoảng 25.000 đến 35.000 đồng.