Với hơn 200 năm tuổi đời, làng gốm Bầu Trúc được xem là một trong những làng gốm truyền thống cổ nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều giai đoạn phát triển.
Nói về nguồn gốc của gốm Bầu Trúc, đặc biệt ở chỗ là dù đã được truyền nghề từ ông tổ Pôklông Chanh và đã trải qua không biết nhiêu thế hệ, thế mà dân làng ở nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn cái phương pháp lâu đời này. Không phải ngẫu nhiên mà Bầu Trúc được xem như là một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm cũng vì lí do đó.
Tọa lạc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, làng gốm Bầu Trúc cách thành phố Phan Rang khoảng 10km đi về hướng nam. Có thể nói đây là một làng cổ của người Champa. Khác với những làng nghề khác, người nghệ nhân Bầu Trúc chế tạo ra các sản phẩm hoàn toàn không giống nhau do họ không sử dụng bàn xoay. Đặc biệt nói về chất lượng, các sản phẩm ở làng nghề được làm đất sét trộn với cát mịn, màu sắc được lấy từ cây rừng, có thể thấy tất cả mọi nguyên vật liệu được sử dụng đều có trong tự nhiên ở địa phương. Một đặc điểm nổi bật ở thiên đường gốm Bầu Trúc nữa là các tác phẩm sau khi được nặn sẽ được mang đi phơi nắng, tô màu và nung lộ thiên, chứ không có lò nung.
Người dân làng nghề Bàu Trúc đang chăm chú làm gốm (Ảnh vietnamtourism)
Nếu có dịp đến với làng nghề này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận cái vẻ đẹp riêng biệt so với gốm ở những nơi khác. Người dân ở làng gốm Bàu Trúc rất hoang nghênh và nhiệt tình nếu bất cứ du khách nào muốn tự tay mình làm ra một sản phẩm. Du khách sẽ được những người thợ lành nghề hướng dẫn một cách chi tiết từ việc đập đất khô cho tơi, sau đó thỏa sức sáng tạo nặn thành hình, trang trí và rồi đến khâu nung sản phẩm.