20 cung đường đèo thách thức phượt thủ Việt (Phần 1)

    Chia sẻ với mọi người
    Những cung đường đèo tuy khá nguy hiểm và khó đi, tuy nhiên đối với phượt thủ, đó chính là những cung đường đẹp và đáng để thử thách.

    1. Đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang

     
    Là một trong “tứ đại danh đèo” của miền Bắc, Mã Pí Lèng trong tiếng dân tộc có nghĩa là “Sống mũi ngựa”. Đây là cung đường chạy dài 20km, uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Mã Pí Lèng thường được mệnh danh là vua của những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Với những đặc điểm đó, nơi đây trở thành địa điểm yêu thích khi chụp ảnh phong cảnh của những người đam mê nhiếp ảnh.
     
    Dưới chân đèo là dòng Nho Quế uốn lượn xinh đẹp. Ảnh: tinmoi.vn
     

    2. Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai

     
    Được mệnh danh là con đèo hùng vĩ bậc nhất ở miền Bắc với chiều dài gần 50km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo Ô Quy Hồ nằm chênh vênh ở độ cao 2.000m, uốn lượn quanh co qua những vách núi cao ngút trời và vực sâu thăm thẳm. Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ hãi và trèo lên được tới đỉnh đèo bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng bồng lai tiên cảnh nơi đây với mây núi trùng điệp. Chính bởi vậy, nó còn có cái tên là Cổng Trời.
     
    Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai. Ảnh: Saigoneer
     

    3. Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu

     
    Đèo Pha Đin nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, thuộc địa phận tỉnh Sơn La và Lai Châu. Với tổng chiều dài 32km, con đèo này có địa thế hết sức hiểm trở, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Địa hình Pha Đin khá hiểm trở, nhưng bù lại cảnh quan nơi đây rất tuyệt vời. Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển.
     

    Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu. Ảnh: Saigoneer
     

    4. Đèo Khau Phạ, Yên Bái

     
    Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường vượt qua ngọn núi cao nhất ở Mù Cang Chải – đỉnh Khau Phạ. Nó còn nổi tiếng quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Đến Khau Phạ nên chú ý sương mù, gây hạn chế tầm nhìn của phượt thủ. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
     

    Đèo Khau Phạ – Yên Bái. Ảnh: Saigoneer
     

    5. Đèo Mã Phục, Cao Bằng

     
    Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đây là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh. Đặc biệt phong cảnh hai bên đèo rất đẹp, tới đây bạn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.
     

    Đèo Mã Phục mùa lúa chín. Ảnh: Micheal Ruan/ flickr.com
     

    6. Đèo Xá Tổng, Điện Biên

     
    Đèo Xá Tổng nằm trong vị trí đầy hiểm trở từ Tuần Giáo ngược lên Lai Châu. Con đèo dài 25km với nhiều đoạn không có cọc tiêu lẫn gương cầu. Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo không một bóng nhà dân. Đoạn đèo đã bị bỏ hoang từ lâu, cũng không có ô tô qua lại bởi quá nguy hiểm. Hoàng hôn trên đèo rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy bởi trời sẽ tối rất nhanh mà con đường còn dài phía trước.
     

    Hoàng hôn trên đèo Xá Tổng. Ảnh: Vnexpress
     

    7. Đèo Pha Long, Lào Cai

     
    Đèo được gọi như vậy có lẽ vì có đỉnh đèo chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai. Để đến với đèo, bạn phải đi xuyên qua một con đường đất hiểm trở từ Cán Cấu sang. Đường đèo cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng, chạy ngược dòng sông Chảy với chiều dài gần 20km.
     

    Một đoạn đường đất trên đèo Pha Long. Ảnh: i-dulich
     

    8. Đèo Bắc Sum, Hà Giang

     
    Nằm trong địa phận Hà Giang và Quản Bạ, đường đèo Bắc Sum quanh co uốn lượn bám lấy thân núi. Từ Hà Giang lên đường 4D, sẽ bắt gặp đoạn đường đột ngột nhỏ và vòng vèo theo chân núi, cũng là điểm bắt bắt đầu hành trình khám phá cao nguyên đá thú vị.
     

    Đèo Bắc Sum – Hà Giang. Ảnh: Vnexpress
     

    9. Đèo Thung Khe, Hòa Bình

     
    Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, trên Quốc lộ 6. Con đèo này nổi tiếng nguy hiểm với những vách đá dựng đứng cheo leo. Thung Khe buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.
     

    Một góc đường Đèo Thung Khe. Ảnh: hivietnam.ne
     

    10. Đèo Tam Điệp, Ninh Bình

     
    Ba ngọn đèo nối tiếp nhau nằm trên quốc lộ 1A, thuộc dãy núi Tam Điệp, trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ, với núi đá đứng sừng sững hai bên, vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến, phòng ngự lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước.
     

    Phong cảnh xinh đẹp nhìn từ đèo Tam Điệp. Ảnh: Phạm Ngọc Duy/flickr.com
    THÔNG TIN LIÊN HỆ:
    Hotline: 0915.096.396 - 0919.050.560
    Email: info@dichoi.com.vn
    Facebook
    Len dau trang